Thứ Hai, 23 tháng 4, 2007

WEB 2.0 LÀ GÌ ?

Được xem là một cuộc cách mạng trên thế giới mạng, thế hệ web mới có những thay đổi quan trọng không chỉ ở nền tảng công nghệ mà còn cả ở cách thức sử dụng - hình thành nên môi trường cộng đồng, ở đó mọi người cùng tham gia đóng góp cho xã hội "ảo" chứ không chỉ "duyệt và xem".

Web 2.0 là gì? Làm sao phân biệt đâu là Web 1.0 đâu là Web 2.0? Thuật ngữ "Web 2.0" đang trở nên thịnh hành. Thực chất, Web 2.0 có nghĩa là sử dụng web đúng với bản chất và khả năng của nó.

Mục tiêu đầu tiên của những người tiên phong xây dựng Internet là nhằm kết nối các nhà nghiên cứu và các máy tính của họ với nhau để có thể chia sẻ thông tin hiệu quả. Khi bổ sung World Wide Web (năm 1990), Tim Berners-Lee cũng nhằm mục tiêu tạo phương tiện cho phép người dùng tự do đưa thông tin lên Internet và dễ dàng chia sẻ với mọi người (trình duyệt web đầu tiên do Berners-Lee viết bao gồm cả công cụ soạn thảo trang web). Tuy nhiên, sau đó web đã phát triển theo hướng hơi khác mục tiêu ban đầu.

Tuy có một số ngoại lệ nhưng thế giới Web 1.0 (thế hệ web trước Web 2.0) chủ yếu gồm các website "đóng" của các hãng thông tấn hay các công ty nhằm mục đích tiếp cận độc giả hay khách hàng hiệu quả hơn. Nó là phương tiện phát tin hơn là phương tiện chia sẻ thông tin. Chỉ đến gần đây, với sự xuất hiện của nhiều kỹ thuật mới như blog (hay weblog), wiki... web mới trở nên có tính cộng đồng (và cộng tác) hơn và trở nên gần hơn với sự kỳ vọng và khả năng thực sự của nó.

Khái niệm Web 2.0 đầu tiên được Dale Dougherty, phó chủ tịch của O’Reilly Media, đưa ra tại hội thảo Web 2.0 lần thứ nhất do O’Reilly Media và MediaLive International tổ chức vào tháng 10/2004. Dougherty không đưa ra định nghĩa mà chỉ dùng các ví dụ so sánh phân biệt Web 1.0 và Web 2.0: "DoubleClick là Web 1.0; Google AdSense là Web 2.0. Ofoto là Web 1.0; Flickr là Web 2.0. Britannica Online là Web 1.0; Wikipedia là Web 2.0. v.v...".

Sau đó Tim O’Reilly, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành O’Reilly Media, đã đúc kết lại 7 đặc tính của Web 2.0:

1. Web có vai trò nền tảng, có thể chạy mọi ứng dụng

2. Tập hợp trí tuệ cộng đồng

3. Dữ liệu có vai trò then chốt

4. Phần mềm được cung cấp ở dạng dịch vụ web và được cập nhật không ngừng

5. Phát triển ứng dụng dễ dàng và nhanh chóng

6. Phần mềm có thể chạy trên nhiều thiết bị

7. Giao diện ứng dụng phong phú

Thoạt đầu, Web 2.0 được chú trọng tới yếu tố công nghệ, nhấn mạnh tới vai trò nền tảng ứng dụng. Nhưng đến hội thảo Web 2.0 lần 2 tổ chức vào tháng 10/2005, Web 2.0 được nhấn mạnh đến tính chất sâu xa hơn – yếu tố cộng đồng.
Thực tế, ứng dụng trên web là thành phần rất quan trọng của Web 2.0. Hàng loạt công nghệ mới được phát triển nhằm làm cho ứng dụng trên web mạnh hơn, nhanh hơn và dễ sử dụng hơn, được xem là nền tảng của Web 2.0.
Kiến trúc công nghệ của Web 2.0 hiện vẫn đang phát triển nhưng cơ bản bao gồm: phần mềm máy chủ, cơ chế cung cấp nội dung, giao thức truyền thông, trình duyệt và ứng dụng.

Cung cấp nội dung
Bước phát triển đầu tiên và quan trọng nhất hướng đến Web 2.0 đó là cơ chế cung cấp nội dung, sử dụng các giao thức chuẩn hoá để cho phép người dùng sử dụng thông tin theo cách của mình (nghĩa là có khả năng tùy biến thông tin). Có nhiều giao thức được phát triển để cung cấp nội dung như RSS, RDF và Atom, tất cả đều dựa trên XML. Ngoài ra còn có các giao thức đặc biệt như FOAF và XFN dùng để mở rộng tính năng của website hay cho phép người dùng tương tác.

Dịch vụ web
Các giao thức truyền thông 2 chiều là một trong những thành phần then chốt của kiến trúc Web 2.0. Có hai loại giao thức chính là REST và SOAP. REST (Representation State Transfer) là dạng yêu cầu dịch vụ web mà máy khách truyền đi trạng thái của tất cả giao dịch; còn SOAP (Simple Object Access Protocol) thì phụ thuộc máy chủ trong việc duy trì thông tin trạng thái. Với cả hai loại, dịch vụ web đều được gọi qua API. Ngôn ngữ chung của dịch vụ web là XML, nhưng có thể có ngoại lệ.

Một ví dụ điển hình của giao thức truyền thông thế hệ mới là Object Properties Broadcasting Protocol do Chris Dockree phát triển. Giao thức này cho phép các đối tượng ảo (tồn tại trên web) tự biết chúng "là gì và có thể làm gì”, nhờ vậy có thể tự liên lạc với nhau khi cần.

Phần mềm máy chủ
Web 2.0 được xây dựng trên kiến trúc web thế hệ trước nhưng chú trọng hơn đến phần mềm làm việc ở background. Cơ chế cung cấp nội dung chỉ khác phương thức cấp phát nội dung động (của Web 1.0) về danh nghĩa, tuy nhiên dịch vụ web yêu cầu tiến trình làm việc và dữ liệu chặt chẽ hơn.

Các giải pháp phát triển theo hướng Web 2.0 hiện nay có thể phân làm hai loại: hoặc xây dựng hầu hết tính năng trên một nền tảng máy chủ duy nhất; hoặc xây dựng ứng dụng "gắn thêm" cho máy chủ web, có sử dụng giao tiếp API.

Thứ Ba, 17 tháng 4, 2007

TẬP ĐOÀN KINH DOANH

Tổ hợp các công ty hoạt động trong một ngành hay những ngành khác nhau trong phạm vi một nước hay nhiều nước, tiềm lực kinh tế - tài chính mạnh, cơ cấu phức tạp, vừa kinh doanh vừa liên kết kinh tế nhằm tăng cường tích tụ, tập trung, tăng khả năng cạnh tranh và tối đa hoá lợi nhuận. Nó trở thành hình thức phổ biến, có vai trò chi phối và tác động mạnh mẽ đến toàn bộ nền kinh tế ở nhiều nước trong giai đoạn hiện nay. TĐKD có những đặc điểm chung:

a) Có quy mô rất lớn về vốn, lao động, doanh thu và thị trường; có phạm vi hoạt động rộng trong nước và ngoài nước.

b) Sở hữu hỗn hợp (nhiều chủ) nhưng có một chủ thể đóng vai trò chi phối.

c) Kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực, có định hướng ngành chủ đạo.

d) Cơ cấu tổ chức phức tạp; có công ty mẹ chi phối các công ty con về tài chính và chiến lược phát triển.

Vd. General Motor thành lập 1908 với nhiệm vụ ban đầu là sản xuất ô tô, nay là một TĐKD đa quốc gia, đa ngành lớn nhất Hoa Kì, trong đó sản xuất ô tô là ngành chính (chiếm 80 - 90% tổng doanh thu), có hệ thống chi nhánh gồm
136 công ti nằm ở hầu hết các nước trên thế giới.
Ở Việt Nam, Đại hội IX của Đảng đã xác định trong 5 năm tới "xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh trên cơ sở các tổng công ti nhà nước, có sự tham gia của các thành phần kinh tế". Theo Quyết định 91/Ttg, Nhà nước chủ trương thành lập tổng công ti theo mô hình TĐKD gồm nhiều doanh nghiệp thành viên có quan hệ với nhau về tài chính và các dịch vụ liên quan và có quy mô tương đối lớn với số vốn pháp định ít nhất là 1.000 tỉ đồng. Tập đoàn có thể hoạt động kinh doanh đa ngành song nhất thiết phải có định hướng ngành chủ đạo. Chủ trương này của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tập trung, nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời thực hiện việc xoá bỏ dần chế độ chủ quản, cấp hành chính chủ quản và sự phân biệt doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp địa phương và tăng cường vai trò quản lí nhà nước đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.

HIỂU THÊM VỀ PHẦN MỀM MÃ NGUỒN MỞ

Mã nguồn mở (open - source software) hiểu theo nghĩa rộng là một khái niệm chung được sử dụng cho tất cả các phần mềm mà mã nguồn của nó được công bố rộng rãi công khai và cho phép mọi người tiếp tục phát triển phần mềm đó. Điều này không có nghĩa là chúng có thể được sao chép, sửa chữa thoải mái hay sử dụng vào mục đích nào cũng được. Mã nguồn mở được công bố dưới rất nhiều điều kiện khác nhau, một số trong đó cho phép phát triển, sử dụng và bán tùy ý miễn là giữ nguyên các dòng về nguồn gốc sản phẩm, một số bắt buộc tất cả các sản phẩm làm ra từ đó cũng phải là open-source, một số khác đòi hỏi phải công bố trọn vẹn mã nguồn, một số khác không cho phép sử dụng vào mục đích thương mại, một số khác lại không có ràng buộc gì đáng kể v.v... Qua đó ta thấy khái niệm open source không thể chuẩn xác mà muốn nói đến tính pháp lý của việc sử dụng các phần mềm mã nguồn mở, chúng ta phải xem xét đến điều kiện sử dụng cụ thể mà dưới đó chúng được công bố. Một điều kiện hay được áp dụng nhất là GPL: GNU General Public License (http://www.fsf.org/licenses/gpl.html) của tổ chức Free Software Foundation.

GPL có 2 đặc điểm phân biệt, đó là:
Tác giả gốc giữ bản quyền về phần mềm nhưng cho phép người dùng rất nhiều quyền khác, trong đó có quyền tìm hiểu, phát triển, công bố cũng như quyền khai thác thương mại sản phẩm.
Tác giả sử dụng luật bản quyền để bảo đảm các quyền đó không bao giờ bị vi phạm đối với tất cả mọi người, trên mọi phần mềm có sử dụng mã nguồn của mình.
Đặc biệt điểm thứ 2 thường được gọi là hiệu ứng virus (viral effect) vì nó biến tất cả các phần mềm có dùng mã nguồn GPL cũng biến thành phần mềm GPL. Trên thực tế điều này có ý nghĩa: bất kỳ tác giả nào sử dụng dù chỉ 1 phần rất nhỏ mã nguồn GPL trong chương trình của mình cũng phải công bố chương trình đó dưới điều kiện GPL. Điều kiện này quy định ví dụ:
Mọi phần mềm GPL đều phải công bố mã nguồn của mình rộng rãi công khai và phải tạo điều kiện cho mọi người truy cập được mã nguồn ấy (ví dụ qua web hoặc qua việc bán CD giá rẻ)
Giữ nguyên mọi dòng chú thích về nguồn gốc tác giả, bản quyền của họ cũng như điều kiện được áp dụng đối với phần mềm (trong 1 file có tên LICENSE)
Cấm việc bán mã nguồn nhưng cho phép kinh doanh chương trình được tạo ra từ mã nguồn ấy hoặc là các dịch vụ hỗ trợ liên quan.
Các điều khoản phân phối của phần mềm mã nguồn mở phải tuân thủ các tiêu chuẩn sau:

1. Tự do tái phân phối

Bản quyền sẽ không giới hạn bất cứ ai khỏi việc bán hay đem cho phần mềm đó như là một thành phần của bản phần mềm tổng hợp mà có chứa các chương trình từ nhiều nguồn khác nhau. Bản quyền sẽ không đòi hỏi việc phải giữ nguyên trạng phần mềm hay các phí tổn khác cho những thương vụ như vậy.

2. Mã nguồn
Chương trình phải đi kèm mã nguồn, và phải cho phép phân phối cả mã nguồn cũng như dạng đã được biên dịch. Ở những nơi mà một số dạng sản phẩm không được phân phối cùng mã nguồn thì phải có các cách thức được phổ biến rộng rãi nhằm lấy được mã nguồn với chi phí không cao hơn chi phí tái sản xuất hợp lý–khuyến khích cho phép tải về một cách miễn phí qua Internet.
Vì mục đích của mã nguồn mở là tạo điều kiện để việc phát triển được thuận lợi nên cộng đồng này cũng yêu cầu sự sửa đổi mã nguồn cũng phải được tạo điều kiện thực hiện. Do đó, mã nguồn phải để dạng được ưa chuộng mà theo đó một lập trình viên sẽ có thể tham gia sửa đổi chương trình được. Việc biến đổi mã nguồn thành một dạng mã gây rối một cách có chủ tâm là không được phép.

3. Các chương trình phát sinh

Bản quyền phải cho phép sửa đổi và các chương trình phát sinh từ đó, và phải cho phép chúng được phân phối dưới cùng các điều khoản như giấy phép của phần mềm gốc.

4. Tính toàn vẹn của mã nguồn cung cấp bởi Tác giả
Bản quyền có thể hạn chế không cho phép mã nguồn được phân phối ở dạng đã được sửa đổi chỉ nếu như bản quyền cho phép phân phối “các file vá” cùng mã nguồn nhằm mục đích sửa đổi chương trình ở thời gian tạo sản phẩm. Bản quyền phải cho phép một cách tường minh việc phân phối phần mềm được tạo ra từ mã nguồn được sửa đổi. Bản quyền có thể yêu cầu các sản phẩm phát sinh phải mang một cái tên hay một số hiệu phiên bản khác so với phần mềm gốc.
Theo đó, bản quyền mã nguồn mở phải đảm bảo rằng mã nguồn sẽ tồn tại ở dạng dễ dàng lấy được, nhưng có thể yêu cầu rằng nó sẽ được phân phối với cơ sở mã nguồnnguyên gốc ban đầu kèm với các bản vá. Theo cách này, những thay đổi “không chính thức” có thể xuất hiện ở hình thức sẵn sàng để tiếp cận nhưng được phân biệt một cách dễ dàng với mã nguồn cơ sở.

5. Không có sự phân biệt đối xử giữa các cá nhân hay nhóm người
Bản quyền phải không được phân biệt đối xử với bất cứ cá nhân hay nhóm người nào.
Một số quốc gia, trong đó có Hoa Kì, ban hành điều luật hạn chế xuất khẩu một số loại phần mềm nhất định. Một giấy phép tuân thủ định nghĩa Mã Nguồn Mở có thể cảnh báo cho người sử dụng giấy phép về những hạn chế có thể được áp dụng và nhắc nhở họ là họ có nghĩa vụ tuân thủ luật pháp; tuy nhiên, bản quyền đó không được tự đặt ra các giới hạn như vậy.

DPI LÀ GÌ ?

Cho những ai chưa biết thuật ngữ "DPI" là chữ viết tắt của "dots per inch". Bởi vì tất cả hình ảnh kỹ thuật số được cấu tạo bở các Pixel, DPI chỉ đơn giản nói đến tổng số đơn vị Pixel xác định một inch vuông của canvas. Nếu số đơn vị Pixel càng cao thì bức hình càng rõ nét. Hầu hết những tác phẩm tô màu chuyên nghiệp được làm ở mức 400 DPI. Điều đó có nghĩa rằng mỗi hoặc tất cả Inch của một hình được tạo bởi 400 Px ngang và 400 Px dọc. Nếu thiếu những đơn vị pixel này sẽ làm cho hình của bạn bị dạn. Bạn đã hẳn nhìn thấy hình ảnh bậc thang mà không phù hợp với độ phân giải. Trên màn hình máy tính có thể nó nhìn cũng tạm ổn bởi vì màn hình chỉ có thể hiển thị khoảng 72 Px per inch. Nhưng khi bạn in cái gì ra thì lại hoàn toàn khác biệt, bởi vì hầu hết những hình hoạt hoạ được in ra giấy, chứ không phải xem trên màn hình, cho nên 400 DPI được coi như là độ phân giải tối thiểu cho một người tô màu chuyên nghiệp. Bất cứ một hình nào có độ phân giải thấp hơn là bạn sẽ có một tác phẩm răng cưa. Hãy nhớ rắng, DPI là đơn vị đo diện tích hình vuông, cho nên khi bạn gấp đôi độ phân giải là bạn đã gấp 4 số đơn vị Px! bạn có thể thấy dung lượng của file tăng lên nhanh như thế nào, cho nên nếu máy tính của bạn không đủ "đô" để chạy photoshop thì nó trở lên khá chuối và thậm chí báo lỗi. Hãy chọn độ phân giải mà máy tính của bạn có thể chịu được.

MÀU SẮC VÀ TÂM LÝ CON NGƯỜI

Những thực nghiệm của các nhà tâm lý người Áo chứng minh rằng: nếu ta dùng phấn màu xanh lá cây viết lên bảng màu vàng nhạt sẽ giúp học sinh tập trung suy nghĩ hơn, tăng cường trí nhớ, giữ gìn thị lực ở mức độ nhất định.

Theo thử nghiệm, nếu có hai căn phòng được bài trí giống nhau, chỉ khác là một căn chỉ có màu trắng đen còn một căn thì đủ các màu sắc, dĩ nhiên, ai cũng muốn chọn cho mình căn phòng đa sắc trừ khi anh ta mất khả năng phân biệt màu.

Thông thường màu đỏ, vàng da cam, vàng… đưa lại cho con người cảm xúc ấm áp, nên được gọi là những gam màu nóng. Còn các màu xanh, xanh lục, tím… đưa đến cảm giác lạnh lẽo và được xếp vào nhóm màu lạnh. Các màu nóng và lạnh mang lại cho con người những hiệu ứng tâm lý khác nhau: màu nóng dễ làm con người phấn chấn, hoạt bát, năng nổ, còn màu lạnh dễ giúp người ta bình tĩnh, hiền hoà, lắng dịu.

Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý Nga cho thấy hiệu ứng cảm xúc đối với màu sắc như sau:

- Màu đỏ: kích thích cảm xúc, tính tích cực, khơi gợi những mối liên tưởng của con người.

- Màu vàng: ấm áp và dễ chịu, làm cho con người sẵn sàng hành động tận tâm tận lực.

- Màu vàng da cam: giúp con người vui vẻ, phấn khởi.

- Màu lục: mang đến sự bình tĩnh, yên vui, dễ tạo nên những mối liên tưởng đa dạng.

- Màu đen: tạo cảm giác mệt mỏi, nặng nề, đau khổ.

- Màu trắng: khiến con người thấy yếu đuối… đó chính là nguyên nhân vì sao mọi người không thích ở những căn phòng đen trắng.

Ngày nay, hiệu ứng màu sắc được ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực kiến trúc, hội hoạ, quảng cáo, thời trang, ca kịch… Những thực nghiệm của các nhà tâm lý người Áo cũng chứng minh rằng nếu ta dùng phấn màu xanh lá cây viết lên bảng màu vàng nhạt sẽ giúp học sinh tập trung suy nghĩ hơn, tăng cường trí nhớ, giữ gìn thị lực ở mức độ nhất định. Thêm nữa, những công trình nghiên cứu của các chuyên gia Đức cho thấy, màu vàng chanh là một “thứ thuốc an thần dễ chịu”. Những trang sách giáo khoa màu vàng giúp học sinh cải thiện phương thức hành vi, làm cho các em trở nên nhã nhặn, cẩn thận và tự nhiên hơn. Có người còn đề nghị sách giáo khoa bậc trung học và tiểu học nên in chữ màu xanh lục trên giấy màu hồng, như thế khi nhìn vào, các em học sinh vừa không mỏi mắt vừa hăng say học tập. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện theo cuộc “cách mạng màu sắc” này.

Ngoài ra, màu sắc còn mang ý nghĩa tượng trưng nhất định. Phần đông mọi người nhận định rằng: màu đỏ tượng trưng cho sự hy sinh, sức sống mãnh liệt, sự cao cả; màu lục tượng trưng cho sự yên bình, nhã nhặn, hiền hoà; màu vàng tượng trưng cho sự ấm áp, cao quý, hiển hách hào hoa. Những màu khác như màu lam là biểu trưng cho sự hoà bình, êm ái, thâm trầm; màu đen là tượng trưng cho cảnh tang tóc, bi ai, thần bí; màu trắng là sự trinh bạch, thuần khiết, yếu đuối...

Tuy nhiên theo tôi cũng không hẳng là hoàn toàn như vậy, nhưng gam màu đen ngoài ý nghĩa sơ khai của nó là thể hiện sự buồn tẻ, tang tóc, thì nó còn có một cái nhìn hoàn toàn ngược lại, đó là một cái nhìn của sự giàu sang, mạnh mẻ, và nghiêm trang. Các bạn có thấy các nhà tỷ phú, các chính trị gia, các doanh nhân thường đi xe màu đen không ??? Và khi duyệt web mà thấy trang nào có màu đen là tôi thấy hơi bị "Pro". Còn nếu kết hợp một các kéo léo giữa màu đen vào màu đỏ thì thật là "Action"...

Dựa vào những kết luận trên, chúng ta nên tham khảo khi chọn lựa màu sắc trong thiết kế không gian sống hay dùng màu sắc để thể hiện tâm trạng của mình. Hơn nữa, bạn có thể đoán biết tâm lý người khác qua việc họ chọn màu cho trang phục…